Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2008

BÔNG HỒNG CÀO ÁO

để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.
Medford, tháng tám 1962.
Thích Nhất Hạnh

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký : tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngày từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? Hay là tơ trời đâu la miên ? ) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi , mới nói : “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng : “con mà thương mẹ thì phải làm thế nào ?” Tôi trả lời : “vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.” Bây giờ thì tôi biết rằng : “con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng : “đời ta không còn gì cả.” Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẻ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : “mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác.” Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói : “thôi con không lấy chồng nữa.” Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. Các ái từ sở thân, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh : mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo một bông hoa hồng : để anh sung sướng , thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đoá hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2008

CƠM SÔI NHỎ LỬA

Trong cuộc sống lứa đôi, các cặp vợ chồng đều muốn có một gia đình hạnh phúc và muốn được sống bên nhau trọn đời. Tương kính như tân – vợ chồng sống với nhau, đối đãi nhau, kính trọng nhau như người khách quý lúc mới gặp – là một cách để giữ vững niềm hạnh phúc đó. Nói thì dễ, nhưng làm được nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Có khi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt không đâu, một câu nói bông đùa lỡ lời mà hạnh phúc bị tan vỡ. Tôi đã có dịp lắng nghe tâm tư của các đôi bạn trẻ qua những buổi làm lễ hộ niệm thành hôn (lễ hằng thuận), hay qua các buổi tham vấn cho các bạn gặp khó khăn trong liên hệ tình cảm và nhận thấy sự thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày giúp rất nhiều trong việc duy trì hạnh phúc tình cảm lứa đôi. Không thể tránh những đụng chạm trong đời sống, nhưng ta có thể giải quyết chúng một cách hài hoà, khi trong ta có sự hiểu biết và thương yêu.
Bài hát Cõi mê (A crazy world, ABBA, 1976) nói về cảm xúc, suy nghĩ và hành động của một chàng trai khi thấy người yêu của mình tiếp xúc với một người đàn ông khác. Sáng hôm đó không ngủ được, chàng trai đi bộ qua nhà người yêu để nói chuyện. Đến nơi, chàng thấy một người đàn ông từ nhà của người yêu đi ra bãi đậu xe và sau đó lái xe đi. Người yêu của chàng cũng đi ra tiễn. Chàng nghĩ là mình bị phản bội và sợ là người yêu sẽ bỏ rơi mình. Thấy người yêu tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra, chàng như muốn điên lên và la lối rằng là chàng đã hết lòng yêu nàng, sao nàng lại quen người khác, nàng chẳng đã từng nói chàng là người đàn ông duy nhất của nàng hay sao. Cô gái mỉm cười trả lời rằng có hai người đàn ông trong cuộc sống của cô. Anh trai của cô – người vừa mới lái xe đi – là một trong những người đó. Anh nàng đã đi xa một thời gian dài và nay trở về đây sinh sống. Chàng sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với người anh trai dễ thương của nàng. Nhận thấy là mình bị hớ và như là đang ở trong cơn mê, chàng trai chỉ còn biết nói thầm là người yêu đừng bao giờ bỏ rơi mình.
Thương yêu và được thương yêu là một trong những nhu cầu căn bản và thâm sâu nhất của con người. Không thương và không được thương thì ta khó mà lớn lên được. Tình thương yêu ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình thương đối với người thân, bạn bè và tha nhân. Và cả cho muôn loài khác nữa. Thương như thế nào để ta và người ta thương được tự do, để người ta thương không trở thành vật sở hữu của mình, để ta không sợ bị mất người ta thương. Thương như thế nào để khi người ta thương được những người khác thương, ta cảm thấy tình thương của ta thay vì bị giảm đi hay bị đe doạ thì lại được tăng lên nhiều lần.
Trong thực tế, đa số chúng ta muốn người ta thương chỉ thuộc về riêng ta, nên khi có người khác thương người ta thương, ta cảm thấy khó chịu và thường có những phản ứng để chứng tỏ quyền sở hữu của mình. Có khi mẹ chồng cũng ghen với nàng dâu vì không còn được độc quyền chăm sóc con trai mình nữa. Những tình trạng tâm lý này xảy ra khá thường, nên mới có câu “có thương thì mới ghen, không thương thì ai ghen làm gì”. Nói vậy, nhưng không ai vui vẻ gì khi ở trong tình trạng đó, dù là ghen với lý do chính đáng (khi người ta yêu có người yêu khác) hay ghen bóng ghen gió. Người bị ghen thì cảm thấy buồn và xấu hổ, người ghen thì cảm thấy giận dữ và bất an. Yên sao được khi lúc nào cũng sợ mất người mình thương. Cả hai đều cảm thấy mất tự do.
Sự chiếm hữu thường đưa đến những khó khăn trong liên hệ tình cảm và làm khổ người ta thương. Ghen chỉ là một ví dụ. Vì nghĩ người ta thương là của ta, ta muốn người ta thương phải làm theo ý ta: phải mang áo màu này, phải ăn thức ăn này, phải làm việc này..., nếu không thì ta buồn, ta giận. Vì sao mà ta có những cảm xúc, suy nghĩ và hành động như trên? Những gì đã xảy ra trong thâm tâm ta khi ta ghen? Có phương pháp nào để chuyển hoá trạng thái ghen tuông đó, để bảo vệ và vun trồng tình yêu ngày càng bền vững? Ta hãy tìm hiểu những sự kiện trên qua cái nhìn của Duy biểu học, một môn học về tâm lý của Phật giáo.
Vận hành của tâm thức
Đời sống con người được biểu hiện qua thân và tâm. Thức, một từ được dùng rất nhiều trong tâm lý học Phật giáo, có nghĩa là biết. Để ghi nhận và biết những hiện tượng của cuộc sống, ta có sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý. Mắt tiếp xúc với hình sắc cho ta cái biết ở mắt – thấy, nhãn thức. Tai tiếp xúc với âm thanh cho ta cái biết ở tai – nghe, nhĩ thức. Mũi tiếp xúc với mùi hương cho ta cái biết ở mũi – ngửi, tị thức. Lưỡi tiếp xúc với vị cho ta cái biết ở lưỡi – nếm, thiệt thức. Thân thể tiếp xúc với xúc chạm cho ta cái biết ở thân thể – xúc, thân thức. Ý tiếp xúc với các pháp (các hiện tượng sinh lý, vật lý và tâm lý) cho ta cái biết ở ý – nhận biết, ý thức. Để thử xem bệnh nhân có bị hôn mê hay không, bác sĩ thường thử khả năng biết ở các giác quan.
Các từ tâm, ý và thức thường được dùng để diễn tả các hiện tượng tâm lý mà mắt ta không thấy được. Cảm giác (thọ, feeling) được phát sinh khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng của chúng. Có cảm giác dễ chịu (lạc thọ); có cảm giác khó chịu (khổ thọ); và có cảm giác không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).
Khi ta tiếp xúc với sự vật, một tri giác phát sinh, gọi là tưởng (perception). Ta thường có những tri giác sai lầm (vọng tưởng) về một vật hay sự việc nào đó khi ta chưa có những hiểu biết rõ ràng về nó. Ví dụ như một người đi trong đêm tối, chân đạp phải một sợi dây thừng mà cứ tưởng là con rắn, rồi la lên. Những người đang yêu thường hay có những vọng tưởng về người mình yêu, sau khi lấy nhau thì mới thấy những điều mình nghĩ là không đúng, rồi sinh ra buồn chán và thất vọng. Vọng tưởng thường dẫn đến khổ đau.
Tâm ta có những hiện tượng tâm lý gọi là tâm hành (mental formation). Có 51 tâm hành, trong đó có tâm hành tốt (như tin tưởng, trung thành, bao dung, không tham, không giận, sáng suốt…), tâm hành xấu (như đa nghi, phản bội, ganh ghét, tham, giận, ngu si…) và những tâm hành khác. Thọ và tưởng cũng là hai trong số 51 tâm hành này.
Không phải tự nhiên mà các tâm hành này xuất hiện. Chúng đã có mặt trong tâm ta từ lâu dưới dạng những hạt giống. Những hạt giống này đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cất giữ ở một chỗ gọi là tàng thức (cái biết cất chứa). Khi có điều kiện thích hợp thì những hạt giống tâm hành này biểu hiện trên ý thức (cái biết biểu hiện). Ý thức dẫn đến những hành động và lời nói trong sinh hoạt hằng ngày của ta. Nếu ta biết tạo điều kiện cho những hạt giống tốt phát triển và biểu hiện, những ý nghĩ, hành động và lời nói của ta sẽ đem lại niềm an vui cho cuộc sống. Ví dụ như một bà mẹ lấy chăn đắp cho con khi thấy con ngủ mà không đắp gì. Hạt giống thương yêu của người con được tưới tẩm nên cảm thấy hạnh phúc và thương mẹ quá chừng. Hành động đơn giản vậy đó mà làm cho người con nhớ hoài.
Ta có thể xem tàng thức là nhà kho ở tầng dưới, ý thức là phòng khách ở tầng trên của một căn nhà. Khi một hạt giống xấu biểu hiện ở ý thức, ta không xua đuổi nó, chỉ cần nhận diện sự có mặt của nó, và đừng tạo điều kiện cho nó phát triển thêm. Thay vào đó, ta tạo điều kiện cho một hạt giống tốt phát triển và tập trung vào tâm hành tốt đó thôi, tâm hành xấu sẽ yếu dần và từ từ đi xuống tàng thức dưới dạng của hạt giống. Ví dụ như ta muốn khoe chiếc áo đầm mới với một người bạn. Nhưng người bạn lại nói rằng màu đó không đẹp. Thế là cơn giận trong ta nổi lên. Biết mình lỡ lời, người bạn lại nói cái nơ thắt ngang lưng làm cho người mang nó thon và đẹp ra. Được khen, cơn giận trong ta giảm đi. Ông bà ta cũng đã nói: “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.
Ở giữa tàng thức và ý thức là mạt na thức, cái biết chấp ngã. Cái biết chấp ngã này cho rằng tất cả các hiện tượng đều nhằm để phục vụ ta, chỉ cho riêng ta. Nó như là bức màn che, làm cho cái biết của mắt, của tai, của lưỡi, của thân và của ý không được khách quan. Khi tiếp xúc với đối tượng nào, ta cũng nghĩ là của ta và cho ta. Ví dụ như một chàng trai thấy một cô gái đẹp mỉm cười, lại nghĩ là cô ta cười với mình. Hay trong một buổi sinh hoạt chẳng hạn, thấy người khác được khen và được nhắc tên, ta cũng muốn được nhắc tên mặc dù ta không dính líu gì đến chuyện đó hết.
Trở lại câu chuyện của chàng trai và cô bạn gái. Chàng có cảm giác khó chịu khi thấy người đàn ông rời khỏi nhà của người yêu – khổ thọ sinh ra khi mắt thấy cảnh mình không muốn thấy. Vì không biết người đàn ông đó là anh của người yêu, chàng nghĩ người đàn ông là người yêu của nàng và người yêu đã lừa dối chàng – một tri giác sai lầm (vọng tưởng). Tri giác sai lầm của chàng trai đã phát sinh những tâm hành sợ hãi (sợ mất người yêu), giận dữ và nghi ngờ. Không kiểm soát được cơn giận, chàng lớn tiếng cãi với người yêu. Cô gái rất khéo, nói ngay người đàn ông đó là anh trai mình. Cơn sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ trong chàng biến mất nhờ nghe được câu chàng muốn nghe – người đó không phải là người yêu của nàng. Tuy nhiên, cô gái cũng muốn tưới tẩm hạt giống cởi mở, bao dung của người yêu, muốn cho chàng bớt ghen và tập chia sẻ người mình thương với người khác nên mới nói là anh trai của nàng cũng quan trọng giống như chàng vậy, chàng nên làm quen với anh trai của nàng, anh nàng dễ thương lắm.
Câu chuyện kết thúc có hậu nhờ chàng trai biết nói ra những điều làm cho chàng đau khổ và cô gái biết lắng nghe và biết nói ra những điều làm cho chàng bớt khổ. Nếu vì tự ái mà chàng trai bỏ về rồi cứ im lặng ôm lấy niềm đau, rồi ghen bóng ghen gió, thì có thể cuộc tình sẽ tan vỡ. Tự ái là một điều không nên có mặt trong tình yêu. Chỉ cần chàng trai đi trễ năm phút là không thấy anh trai của người yêu đi ra khỏi nhà của nàng, và sẽ không có sự hiểu lầm. Ta không thể đóng cửa các giác quan, không thể không nhìn, không nghe, không thấy. Chàng trai nên cám ơn những gì đã xảy ra. Nhờ vậy chàng mới hiểu được mình hơn. Phiền muộn nằm sẵn trong ta chớ không nằm ở ngoài. Đổ lỗi cho những điều kiện bên ngoài mà không nhìn kỹ những gì xảy ra trong tâm ta không giúp ta chuyển hoá được khổ đau.
Không để cảm thọ chi phối
Khó khăn xảy ra khi ta không biết cách ứng phó với cảm thọ. Đang giận mà không biết cách điều hoà cơn giận, ta mới la hét, đập phá để giải toả năng lượng giận đó. Tâm lý học Tây phương trước đây thường đề nghị một phương pháp để giải toả năng lượng giận là đánh vào một cái gối bông, tưởng tượng gối bông đó là đối tượng giận của mình, để năng lượng giận có cơ hội thoát ra ngoài. Hành động này tự nó có tính cách bạo động. Đánh xong rồi, mệt đừ, năng lượng giận có được giải toả, nhưng hạt giống bạo động lại được tưới tẩm. Phương pháp này nay ít được dùng.
Năng lượng được biểu hiện trong ta dưới ba dạng: tinh, khí và thần. Tinh là năng lượng tình dục, khí là năng lượng hơi thở, thần là năng lượng của các trạng thái tâm lý. Năng lượng hơi thở có tính chất trung hoà có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm. Khi hai loại năng lượng tình dục và tâm lý có tính cách phá hoại, ta lập tức trở về với hơi thở, chuyển hoá chúng thành năng lượng hơi thở. Tập trung vào hơi thở vào và hơi thở ra, đừng suy nghĩ gì cả. Có thể sẽ mất 5, 10 phút, hoặc lâu hơn, nhưng không sao. An trú trong năng lượng của hơi thở chánh niệm, giúp ta không hành động theo cảm xúc – khi không làm chủ được lý trí – và tránh được tình huống “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang/Đánh được người mặt vàng như nghệ”.
Khi vui quá – ví dụ như khi đội banh mình ưa thích đoạt giải vô địch Euro 2008, thì một năng lượng náo nhiệt xuất hiện, nó bắt ta phải làm gì đó. Ta hét, đập bàn, đập ghế để ăn mừng. Khi buồn quá – ví dụ như khi cuộc tình đổ vỡ – một năng lượng tuyệt vọng xuất hiện. Năng lượng này cũng rất mạnh, có khi khiến ta làm những hành động dại dột, nguy hiểm đến tính mạng. Khi cô đơn và muốn có người hiểu để chia sẻ nỗi niềm, một năng lượng bức xúc xuất hiện, có thể khiến ta kiếm người để tâm sự, để ôm ấp. Đây là trường hợp năng lượng tâm lý chuyển sang năng lượng tình dục. Hiện tượng “tình một đêm” đa số là do lý do này. Ta cũng có thể chuyển hoá năng lượng tình dục qua năng lượng khí và thần. Người tu trong nhà thiền thực tập chuyển hoá năng lượng tình dục thành năng lượng tu học, để có thể thành công trên con đường lý tưởng, như bài kệ dưới đây:
Xin đem năng lượng này,Chuyển thành tinh tấn lực,Đường lý tưởng đi lên,Sự nghiệp mau hoàn tất.
Khi ta không còn bị cảm thọ chi phối, ta có thể bình tĩnh nhìn lại những gì đã xảy ra để ứng phó với những phiền muộn một cách thích đáng.
Năm lời phát nguyện
Hạnh phúc cuộc sống lứa đôi tuỳ thuộc vào mối quan hệ của đôi lứa với nhau, với mọi người và mọi sự việc chung quanh. Có được mối quan hệ tốt với cha mẹ, người thân và bạn bè, sẽ giúp cho cuộc hôn nhân thêm bền vững. Buổi lễ thành hôn được tổ chức dưới sự chứng kiến của nhiều người, họ là những nhân chứng, và họ mong muốn cho cuộc hôn nhân được tốt đẹp. Khi đôi lứa gặp khó khăn, họ có thể giúp hàn gắn đổ vỡ.
Khi làm lễ hằng thuận theo nghi thức Phật giáo, cô dâu và chú rể được hướng dẫn đọc năm lời phát nguyện(*), trong đó có hai lời nguyện để tưới tẩm sự hiểu biết và thương yêu giữa hai người, để việc đối xử theo tinh thần “tương kính như tân” có thể thực hiện được:
• Chúng con nguyện nương vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn.
• Chúng con nguyện thường tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự hờn giận và lý luận chỉ làm hao tổn hoà khí và không giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc.
Đọc xong năm lời phát nguyện thì cả hai được công nhận là vợ chồng. Hai vợ chồng được khuyên là nên cùng nhau đọc lại những lời phát nguyện này mỗi tháng một lần, vào dịp trăng tròn. Trước khi trao nhẫn, cả hai cùng lạy nhau hai lạy để tỏ lòng tương kính với nhau.
Hạnh phúc là một điều có thật và ở trong tầm tay của chúng ta. Có nắm được nó, có giữ được nó hay không tuỳ theo cách nhìn, cách ứng xử của chúng ta. Sống với hiện thực, đừng sống trong ảo tưởng. Những hiểu lầm và khó khăn trong cuộc sống lứa đôi là điều không thể nào tránh khỏi. Với hiểu biết và thương yêu, chắc chắn những khó khăn đó sẽ được chuyển hoá thành chất liệu để xây dựng hạnh phúc.

Tu viện Từ Hiếu, Huế, 19.7.2008
Chân Pháp Khâm

(*) Nghi thức tụng niệm Đại toàn, Đạo Tràng Mai Thôn biên soạn. Ba lời phát nguyện khác là: (1) Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên và nòi giống chúng con. (2) Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi mỗi chúng con. (3) Chúng con nguyện trong đời sống hàng ngày dồn hết tâm lực và phương tiện để xây dựng cho thế hệ con cháu của chúng con trong tương lai.